Trong 4 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký và bổ sung của doanh nghiệp nội đạt 270.963 tỷ đồng, bằng 96,1% so với cùng kỳ. Trong đó, số doanh nghiệp được cấp mới là 13.094 với 211.691 tỷ đồng, và điều chỉnh tăng vốn 59.272 tỷ đồng.
Bất động sản cũng là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất về lượng vốn đăng ký, chiếm 32,7%. Đứng thứ 2 là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy và xe có động cơ khác với 17%, còn chế biến, chế tạo lại không được nhắc đến.
Bất động sản đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu vốn FDI 4 tháng đầu năm tại TP.HCM
Nguồn vốn đăng ký và bổ sung từ nước ngoài đổ vào lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, chiếm tới 46,8% trong tổng số 363 dự án được thành phố cấp chứng nhận đầu tư với số vốn đạt 351,66 triệu USD. Còn chế biến, chế tạo chỉ chiếm 6,7%, bằng 1/10 so với bất động sản.
Đồng thời, kinh doanh bất động sản cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số 1.320 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với giá trị đạt 1,83 tỷ USD. Cụ thể, chiếm đến 24%, trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 13,2%.
Số dự án được TP.HCM mời gọi đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng chỉ đứng sau giao thông
Trước thực tế nguồn vốn đầu tư đổ vào sản xuất, chế biến, chế tạo ít và tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, thành phố cần đặt ra vấn đề phải suy nghĩ về chất lượng tăng trưởng cũng như mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Ông nói: "Về mặt vốn, kinh doanh bất động sản đang chiếm tỷ lệ cao. Muốn thúc đẩy tăng trưởng bền vững thì trong cơ cấu phải tập trung phát triển chế biến, chế tạo. Ngay cả Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa rồi, không có dự án nào về chế biến chế tạo mà toàn bất động sản, dịch vụ..."